THƯ PHÁP
Như một bức tranh nghệ thuật không có biên độ và ẩn chứa nhiều tầng lớp ý nghĩa, Thư Pháp là một loại hình nghệ thuật chữ viết được phẩy mực bằng đôi bàn tay của những nghệ nhân Ông Đồ từ lâu đã đi sâu vào tiềm thức của văn hóa Á Đông. Đắm mình theo dòng chảy văn hóa truyền thống của các nước phương Đông, Thư Pháp được ví như là một mạch ngầm, lặng lẽ tồn tại với thời gian và hàm chứa nhiều giá trị nhân bản, đề cao đạo đức xã hội trong thế giới nghệ thuật. Thư Pháp có lẽ đã vượt ra khỏi chức năng thông tri của mình và đi thẳng vào thế giới tâm linh con người. Chính vì Thư Pháp được nhìn nhận là một bộ môn loại hình nghệ thuật đặc thù “cao cấp”, là thước đo thẩm mỹ của các nền văn hóa dân tộc ở Phương Đông, nhất là ở Việt Nam.
Là một Kiến Trúc Sư Việt Nam, bên cạnh việc đóng vai trò như một nhạc trưởng của BẢN GIAO HƯỞNG KIẾN TRÚC, trong tôi luôn âm ỉ những hoài bão về nghệ thuật Thư Pháp Việt. Bởi vì Thư Pháp Việt mang đậm dấu ấn con người Việt và văn hóa Việt từ thuở xa xưa được lưu truyền tới hiện đại, mang giá trị trường tồn, một mảng miếng nghệ thuật xứng tầm.
Nghệ thuật Thư Pháp chữ Việt luôn thể hiện rõ chiều sâu về tính biểu cảm, cảm thức thẩm mỹ của người viết cũng như thị hiếu của người thưởng lãm. Chính vì vậy, Thư Pháp Việt thường hướng đến sự đơn giản hài hòa bình dị, mang chất thơ, chất lãng mạn như chính những phẩm chất tôn quý của con người Việt xưa và nay. Những nội dung đựơc viết thường là ca dao, tục ngữ, những lời dạy của danh nhân, những bài thơ giàu chất trữ tình… tất cả được tạo nên bức thư họa khi nhẹ nhàng thanh thoát, khi ảo điệu khói sương…Đó là những điểm đặc trưng của Thư Pháp Việt đã thu hút và thôi thúc tìm đến đam mê này bên cạnh công việc sáng tạo của một Kiến Trúc Sư. Thư Pháp đem lại cho tôi những ý niệm xúc cảm sâu sắc, để thấu tình đạt lý những trải nghiệm sống, những trăn trở của người thưởng lãm. Một người làm công việc nghệ thuật kiến trúc sáng tạo là không chỉ kiến tạo nên những công trình mang dấu ấn của gia chủ mà còn phải kết nối được mạch cảm xúc và ý niệm chiều của gia chủ với không gian sống, và những điều này tôi có thể học được thông qua đam mê Thư Pháp Việt.
Thư Pháp chữ Việt dần xuất hiện như đánh dấu bước chuyển đột phá mới mang tính sáng tạo trong nghệ thuật dân tộc. Trong không gian văn hoá, ít có bộ môn nghệ thuật nào mới ra đời lại được mọi người quan tâm đến như Thư Pháp chữ Việt. Sở dĩ đặc biệt như vậy vì nó đã kế thừa và nối mạch được truyền thống tốt đẹp tôn trọng chữ, kính chữ của dân tộc. Và trong nghệ thuật kiến trúc sáng tạo cũng vậy, người Kiến Trúc Sư phải biết năm bắt sự chuyển đổi xu hướng kiến trúc hiện đại, sự dung hòa giữa cổ và kim, để từ đó kiến tạo nên những công trình đánh dấu sự phát triển và tạo điểm nhấn cho kiến trúc hiện đại, nhưng không lãng quên dấu ấn cổ điển.